Những cuộc phỏng vấn gần đây với hai giám mục Trung Quốc phát đi các thông điệp sai lạc
Vào cuối tháng 11, tờ nhật báo Hồng Kông Wenweipo thân Bắc Kinh tiết lộ tin sắp có thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican.
Sau đó vào cuối tháng 12, lời bình luận của Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin làm tăng thêm độ tin tưởng của bản tin: “Vâng, triển vọng đầy hứa hẹn”, dẫn lời ngài nói trong cuộc phỏng vấn với Rivista San Francesco. “Hai bên sẵn sàng đối thoại”.
Trong số các bạn của tôi, những người vẫn còn quan tâm đến những điều xảy ra cho Giáo hội tại Trung Quốc, có cảm giác hoài nghi. Chúng tôi cảm thấy khó đồng hành cùng chủ nghĩa lạc quan này, họ nói. Chúng tôi không thấy có dấu hiệu nào ôm ấp hy vọng những người Cộng sản Trung Quốc sắp thay đổi chính sách tôn giáo thắt chặt của họ.
Trong vài tuần qua chúng ta thấy hai cuộc phỏng vấn được Vatican Insider phát hành: hai giám mục được Gianni Valente, phóng viên làm việc cho Fides, Hãng Tin tức của Thánh bộ Truyền giáo, phỏng vấn.
Trong khi đọc các bài phỏng vấn này, tôi đắng cả họng. Dường như Valente đang gửi cho chúng ta thông điệp này: “Hai giám mục ở Trung Quốc, hiệp thông với Đức Thánh cha và đã trả giá cho việc này, đó là lòng trung thành của họ, hoàn toàn ủng hộ quan hệ Trung Quốc-Vatican. Người nào trong anh chị em không chia sẻ nhiệt huyết này nên ngậm miệng lại”.
Trước khi nhận xét về một số bình luận trong các cuộc phỏng vấn này, tôi xin trình bày hai ý mở đầu:
Những người sang Trung Quốc phỏng vấn người trong Giáo hội cần chú ý rằng họ không được tự do và không thể phát biểu cách tự do, nếu không sẽ có chuyện xảy ra với họ bởi tay chính quyền Trung Quốc, như trong trường hợp của Đức ông Thaddeus Ma của Thượng Hải, người vẫn còn bị giam cầm.
Cho rằng họ tự do là quá ngây thơ. Phỏng vấn họ trong khi biết họ không được tự do là tàn nhẫn và còn bất công với các độc giả có thể dẫn tới hiểu sai.
Tôi thật thất vọng khi lưu ý Valente, một phóng viên đáng kính, dùng những câu hỏi mớm ý trong hai cuộc phỏng vấn này. Chẳng hạn, khi nói chuyện với Đức ông Joseph Wei Jingyi, Giám mục của Qiqihar, về sự chia rẽ giữa người Công giáo trong cái gọi là cộng đồng chính thức và cộng đồng bí mật, ông thêm vào câu: “Sự chia rẽ nào thường bị ảnh hưởng nhiều bởi những tham vọng cá nhân và các cuộc tranh giành quyền lực”.
Sau đó khi nói về các cuộc thương lượng giữa Trung Quốc và Vatican, ông nói: “Đối với một nhân vật quan trọng, nếu Tòa Thánh giao thiệp với chính quyền Trung Quốc, sẽ có nguy cơ sẵn sàng thỏa hiệp hay thậm chí sẵn sàng phản lại các nguyên tắc của mình”.
Tương tự, trong cuộc phỏng vấn với Đức ông Joseph Han Zhi-hai, Giám mục của Lanzou, nói về cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh, ông hỏi thêm: “Sẽ không có khả năng người dân sẽ xem xét bất kỳ lỗ hổng nào, bất kỳ nỗ lực nào đi đến thỏa thuận, một sự lựa chọn sai lầm và có thể đi đến thất bại chứ?”
Trong cuộc phỏng vấn với Đức ông Wei, ngài trả lời về vấn đề tồn tại giữa Trung Quốc và Vatican rất hay, mặc dù Valente có những lời mở đầu sai lạc.
“Không cần thiết phải truy nguyên lịch sử 2.000 năm. Vấn đề thực sự, lý do dẫn đến sự chia rẽ hiện nay giữa cộng đồng chính thức và cộng đồng bí mật chỉ là một. Tại Trung Quốc hiện nay, hai cộng đồng này là hậu quả của áp lực từ chính bên ngoài. Giáo hội bị chia rẽ là do cách chính quyền Cộng sản đối xử với Giáo hội. Sau đó trải qua thời gian, sự chia rẽ này đã dần dần được hàn gắn”, Đức ông Wei trả lời.
Vì thế do chỉ có một vấn đề duy nhất, cái được gọi là sai lầm trước đây của hai bên không liên quan gì nhiều đến tất cả chuyện này. Chỉ cần chính quyền Trung Quốc sẵn sàng thay đổi cách đối xử với Giáo hội là đủ. Lúc đó vấn đề sẽ được giải quyết.
Câu hỏi Valente đặt ra – “Ai phải đi đầu?” – không cần thiết. Đức ông Wei trả lời rất hay: “Giáo hội đã đi tiên phong. Hãy xem tất cả những nỗ lực mà Đức Thánh cha Phanxicô đang làm để chứng tỏ ngài mong muốn đối thoại”.
Trong các câu hỏi mớm ý của mình, Valente dường như muốn làm cho người ta hiểu rằng có những người phản đối cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh xem mọi bước đi như thế là phản bội Giáo hội.
Đây là một sự hiểu lầm lớn và gây hiểu lầm. Không ai có thể phủ nhận rằng nếu không có đối thoại sẽ không thể có giải pháp cho bất kỳ vấn đề nào. Nhưng để đối thoại thành công, cần có sự thiện chí ở cả hai bên.
Phía Rôma, rõ ràng đã có sự thiện ý như thế.
Còn Bắc Kinh thì sao? Lạc quan vô căn cứ khi cho rằng Bắc Kinh có thiện ý là nguy hiểm. Thế chẳng khác nào là mơ tưởng.
Hiện nay nếu bên kia không sẵn sàng thỏa hiệp và chúng ta muốn đi đến thỏa thuận bằng bất cứ giá nào, thì điều duy nhất chúng ta phải làm là thỏa hiệp và nhượng bộ. Vì thế chúng ta không sợ đối thoại, chúng ta không chống đối thoại. Nhưng chúng ta sợ thỏa hiệp bằng mọi giá, không có điểm dừng.
Điều cốt lõi của chúng ta là điều mà Đức Phanxicô gọi là “căn tính của chúng ta” (như được lưu ý trong Thánh lễ đồng tế với các giám mục Á châu tại Hàn Quốc hồi tháng 8), và là quan điểm Công giáo, như được giải thích trong tông thư năm 2007 của Đức Thánh cha Bênêđictô XVI gửi cho Giáo hội Trung Quốc như là điều nhắc nhớ về vị trí của Giáo hội. Chính Đức Phanxicô đã nhắc tới tông thư này trên chuyến bay từ Hàn Quốc trở về Rôma.
Trong tất cả những năm quan hệ gay gắt, tình hình của Giáo hội tại Trung Quốc ngày càng xa rời điểm mấu chốt này.
Qua Giáo hội độc lập, các vụ tấn phong giám mục không có sự ủy quyền của Đức Thánh cha, chúng ta có một Giáo hội ly khai không chính thức, dù chúng ta không thích gọi như thế. Điều gì khiến chúng ta hy vọng chính quyền Cộng sản hiện nay sẵn sàng trở lại điều cốt lõi của chúng ta và cho phép Giáo hội Công giáo chúng ta thực sự Công giáo trở lại?
Giáo hội Trung Quốc đang trong tình cảnh hết sức khác thường. Chính chính quyền cai quản Giáo hội. Để mọi việc trở lại bình thường, chúng ta cần một phép lạ. Có nhiều vấn đề cần được giải quyết.
Tất nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất là vấn đề bổ nhiệm giám mục. Trong suốt những năm tháng tôi tham gia Ủy ban đặc trách Giáo hội tại Trung Quốc, Tôi không hề biết có cuộc thương lượng nào đang diễn ra hay kết quả là gì. Do đó tôi không biết họ có thể sắp ký kết thỏa thuận gì.
Tôi chỉ muốn nhắc Tòa Thánh nhớ rằng từ ‘bầu cử’ có một nghĩa rất đặc biệt tại Trung Quốc. Tôi cũng muốn họ nhớ rằng tại Trung Quốc Hội đồng Giám mục không có. Nó chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
Một vấn đề quan trọng nữa đó là Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA).
Qua những gì chúng ta vẫn còn nghe thấy, sẽ không thể sớm loại bỏ CCPA. Thế thì làm sao chúng ta lại hy vọng mọi thứ có thể trở lại bình thường được?
Đức ông Wei nói ngài nghĩ rằng CCPA có thể thay đổi bản chất. Tôi e rằng, theo như tên gọi của tổ chức này, thực tế sẽ tiếp tục y như hiện nay. Theo kiểu chơi chữ này, Tòa Thánh chắc chắn không bằng đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngoài hai vấn đề quan trọng này, còn vô số trường hợp bất thường cần bình thường hóa: giám mục bị vạ tuyệt thông, giám mục bất hợp thức, một số tham gia các vụ tấn phong giám mục bất hợp thức, giám mục hợp thức từng tham gia các vụ tấn phong giám mục bất hợp thức, và giám mục được tấn phong hợp thức nhưng có các giám mục bất hợp thức tham dự lễ tấn phong.
Đây là toàn bộ các vụ phạm luật nghiêm trọng. Nếu Tòa Thánh không xử lý, tín nhiệm của Tòa Thánh sẽ bị giảm.
Thế nên trong tương lai để thành lập một cơ cấu thống nhất, cần làm thế nào để cân đối quyền lợi của hai cộng đồng này? Hy vọng lợi ích của tín hữu được đặt trên hết, nhưng những người Cộng sản Trung Quốc có tán thành không?
Đức Hồng y Parolin nói hồi tháng 12 năm ngoái rằng chúng ta nên cân nhắc về mặt thần học khi làm mọi việc. Tôi nghĩ điều này có ý nói lên quan điểm về sự thật và công lý. Nếu phía Cộng sản không đồng ý với quan điểm này và không sẵn sàng thỏa hiệp, chúng ta có thể làm gì để đạt được một sự thỏa thuận tốt đẹp? Sự cám dỗ đi đến thỏa thuận bằng mọi giá không phải là điều tưởng tượng. Trong những năm qua, chúng ta chưa nhường quá nhiều cho bên kia sao?
Gần đây khi tưởng nhớ Đức Hồng y Agostino Casaroli, cũng chính Đức Hồng y Parolin đã dùng những lời lẽ hay nhất để khen ngợi chính sách bình thường hóa quan hệ nổi tiếng được Đức Hồng y Casaroli xúc tiến trong việc giao thiệp với Cộng sản Đông Âu.
Đức Hồng y Parolin còn miêu tả những người bác bỏ sự kiểm soát của chính quyền là “đối thủ có tính hệ thống” của chính quyền, là “đấu sĩ”, là “những người thích thể hiện mình trên đấu trường chính trị”. Quan điểm này chỉ làm giảm nỗi sợ hãi và giúp chúng ta tự tin một chút.
Đức ông Wei nêu lên điểm quan trọng nhất của mình vào cuối cuộc phỏng vấn: “Pin cần thiết cho sự hoạt động của rất nhiều thiết bị hiện đại như thế nào thì lời cầu nguyện cũng cần thiết cho việc giữ cho đức tin sống động như vậy”.
Chỉ qua đức tin chúng ta mới có thể chấp nhận sự thất bại hoàn toàn hiện nay, và không thể hy sinh niềm tin và kỷ luật của Giáo hội để có được sự thành công trước mắt. Không có sự thỏa thuận nào tốt hơn một sự thỏa thuận có hại. Chúng ta không thể vì lợi ích hòa bình mà chấp nhận một sự thỏa thuận phản bội lại căn tính của mình được.
Tôi không muốn nói quá nhiều về cuộc phỏng vấn của Valente với Đức ông Han. Vị giám chức thẳng thừng bác bỏ câu “những người từ bên ngoài giả vờ ra lệnh cho người khác nên hay không nên làm gì về đức tin của họ”.
Đức Giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI chắc chắn không phải là người “ngoài”. Dĩ nhiên, giống như mọi người ngài ao ước một ngày nào đó được chứng kiến sự chia rẽ giữa Giáo hội chính thức và bí mật của Trung Quốc biến mất.
Tuy nhiên, sự thống nhất này chỉ có thể diễn ra khi chính quyền không còn đòi hỏi các điều kiện đi ngược lại lương tâm Công giáo chung. Tôi vui mừng khi thấy Đức ông Han tin rằng thời gian hiệp nhất thật sự vẫn chưa đến.
Cuối cùng chúng ta nên nhớ rằng vào lúc này chúng ta vẫn còn nhận được các tin trái ngược nhau về số phận của Đức Giám mục Shi Enxiang của Yixian, người bị cấm thi hành tác vụ mục vụ và chia cách tình thương của người thân. Một số người báo ngài đã chết trong khi những người khác bác bỏ những tin này.
Khi nào chúng ta mới được cung cấp những thông tin xác nhận về vị mục tử anh hùng này? Ngài sẽ bước sang tuổi 94 trong tháng này. Ngài đã qua đời chưa? Nếu rồi thì ngài chết khi nào? Chết ở đâu? Người thân của ngài có được nhận lại xác hay chỉ tro cốt của ngài? Valente có thể giúp chúng ta trong việc tìm hiểu thêm về chuyện này không?
Rồi còn trường hợp mất tích của Đức Giám mục Su Zhimin của Baoding. Ngài còn sống không? Họ đang giam ngài ở đâu?
Khi chúng ta thấy hai vị giám mục đáng kính này bị tước quyền cơ bản nhất của con người, chúng ta khó mà tưởng tượng ra các vị đại diện Tòa Thánh có thể thoải mái ngồi xuống nói chuyện với đảng Cộng sản.
Đức Hồng y Joseph Zen là giám mục về hưu của Hồng Kông.
February 20, 2015
Đức Hồng y Joseph Zen từ Hồng Kông
Đức Hồng y Joseph Zen từ Hồng Kông
Không có nhận xét nào: