Lễ CLHB: Xét Lại Tương Quan Với Thiên Chúa Và Với Tha Nhân - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
27 tháng 10, 2014

Lễ CLHB: Xét Lại Tương Quan Với Thiên Chúa Và Với Tha Nhân

VRNs (27.10.2014) – Sài Gòn – Tối hôm qua, tại nhà thờ DCCT Sài Gòn, cha Phaolô Lê Xuân Lộc, CSsR đã mời gọi cộng đoàn đối diện với Điều răn trọng nhất do Chúa Giêsu xác nhận, để xem mình thực sự yêu Chúa và yêu người chưa? Cha Lộc đã đưa ra những giáo huấn của GHVN, những chủ trương “không có Chúa” đẩy đất nước đến tham những, vô cảm và ác độc.

Sau đây là nguyên văn bài giảng của Cha Phao-lô Lê Xuân Lộc:

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe thuật lại câu chuyện giữa Chúa Giêsu và một người thông luật trao đổi với nhau về câu hỏi:“Trong lề luật giới răn nào là trọng nhất?”

Chúa Giêsu đã trả lời cho người ấy rằng “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi, đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng có một giới răn thứ hai cũng trọng không kém giới răn thứ nhất đó là yêu người thân cận như chính mình. Và Ngài đã nói rằng toàn thể sách luật đều tóm lại trong hai giới răn đó là Mến Chúa và Yêu Người.

Trong câu kết của kinh Mười Điều Răn Đức Chúa Trời mà chúng ta hay đọc, cũng nhắc chúng ta về hai giới răn quan trọng này. Câu ấy là: “Mười điều răn tóm về hai điều này mà chớ, trước là kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau là yêu người như mình ta vậy. Amen”.

Như vậy mến Chúa và yêu người là căn tính của đời sống chúng ta. Tất cả đời sống của chúng ta đều được xây dựng trên hai mối tương quan đó, đó là tương quan chiều đứng và tương quan chiều ngang. Tương quan chiều đứng là tương quan giữa con người với Thượng Đế, với Thiên Chúa. Và tương quan chiều ngang là tương quan với tha nhân, với thế giới hữu hình.

Nếu cuộc sống con người không được xây dựng trên hai tương quan đó thì nó sẽ nảy sinh biết bao nhiêu thảm họa, đỗ vỡ và xáo trộn cho nhân loại. Hai tương quan ấy luôn bổ túc cho nhau và không loại trừ nhau. Người ta không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương tha nhân. Ngược lại tình yêu thương tha nhân sẽ hướng người ta đến tình yêu với Thượng Đế, với Thiên Chúa.

Thánh Gioan Tông đồ nói rằng: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”(1Ga 4:20). Và ngài nói tiếp rằng: “Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4:21).

Mến Chúa và yêu người là hai giới răn không thể tách rời nhau. Là người Kitô hữu đích thật, chúng ta được mời gọi sống trọn vẹn cả hai giới răn đó. Chúng ta đến nhà thờ, chúng ta đi xem lễ, đọc kinh cầu nguyện là chúng ta thể hiện lòng tin của chúng ta vào TC, vào Đấng đã dựng nên con người, đã yêu thương chúng ta đến độ sai Con Một của Ngài xuống thế thể cứu độ chúng ta. Lòng tin ấy phải dẫn chúng ta đến tình yêu đối với anh chị em của mình, nếu không thì đó chỉ là giữ đạo một cách hình thức bên ngoài, như Chúa Giêsu đã nói: “Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta.” (Mt 18:8).

Và một mặt khác, nếu người ta không tin vào Thượng Đế, vào Thiên Chúa, hay nói cách khác nếu người ta phủ nhận Thượng Đế, phủ nhận Thiên Chúa thì tương quan chiều ngang với tha nhân cũng sẽ như bình sành lọ đất sẽ rất dễ bị đỗ vỡ. Người ta sẵn sàng giết hại nhau, chà đạp lên nhân phẩm của nhau để mưu cầu lợi ích cho riêng mình.

Kinh nghiệm về cuộc sống cá nhân cũng cho chúng ta thấy điều đó. Mỗi khi chúng ta đánh mất Thiên Chúa, xa rời Thiên Chúa, thì tương quan của chúng ta với những người chung quanh cũng sẽ bị ảnh hưởng. Khi đó chúng ta dễ nảy sinh lòng hận thù, ghen ghét, ích kỷ đối với anh chị em của chúng ta.

Nhìn vào xã hội Việt Nam chúng ta, chúng ta càng dễ nhận ra một tình trạng đó là khi người ta chủ trương một một xã hội vô thần, phủ nhận niềm tin vào Thiên Chúa, thì xã hội ấy đang nảy sinh biết bao những tệ nạn.

Thư chung năm 1960 của các giám mục miền Nam Việt Nam đã lên án chủ nghĩa cộng sản vô thần rằng: “Vì đã chủ trương duy vật vô thần, và vì thế vất bỏ tất cả những gì là siêu việt, lương tâm, luân lý…, nên Cộng sản vô thần đi đến những hành động vô cùng tai hại” cho con người.

Lời cảnh báo của các giám mục mấy chục năm trước đã và đang trở nên hiện thực trên đất nước chúng ta. Chúng ta không phủ nhận đất nước phát triển so với trước nhưng đó là một sự phát triển hình thức. Chất lượng cuộc sống người dân, vấn đề an sinh xã hội thì chỉ cần qua những nước láng giềng thôi cũng đủ thấy đất nước chúng ta tụt hậu thế nào! Tình trạng chênh lệch giàu nghèo giữa quan chức đảng viên và người dân thế nào thì ai chúng ta cũng thấy rõ.

Một thực tế không ai không biết đó là tham nhũng tràn lan! Bên cạnh lối sống xa hoa, sung túc, nhà cao cửa rộng của các quan chức cộng sản là biết bao những cảnh đời những cảnh đời lao đao không nhà không cửado bị cưỡng chế nhà cửa, đất đai cho những quy hoạch nhằm mục đích cướp đất của dân.

Khắp đất nước Việt Nam đi đâu chúng ta cũng thấy dân oan. Tôi biết tham dự thánh lễ hôm nay có sự hiện diện của nhiều chị em dân oan từ chợ Sặt, Hố Nai. Chị em chợ Sặt đã kiên cường hàng chục năm nay để bảo vệ mảnh đất của cha ông mình và quyền lợi của mình trước âm mưu cướp trắng khu đất của nhà cầm quyền Đồng Nai.

Sống trong một xã hội vô thần, một xã hội đặt giá trị vật chất lên giá trị tâm linh như xã hội Việt Nam ngày nay, thì không chỉ người dân nghèo bị chiếm đoạt đất đai, trở thành những dân oan mà ngay cả những người tu hành cũng trở thành những dân oan. Cụ thể như nhà cầm quyền đang rắp tâm triệt hạ một số cơ sở tôn giáo như nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng MTG Thủ Thiêm và Chùa Liên Trì. Và đặc biệt mấy ngày hôm nay chúng ta thấy ở ngoài Thái Hà – Hà Nội, nhà cầm quyền đã không từ một thủ đoạn nào, họ đã nhân danh những dự án công ích này, công ích nọ để chiếm đoạt cho bằng được ngay cả những cơ sở tôn giáo, những cơ sở phục vụ lợi ích tâm linh của con người.

Ngoài ra chúng ta thấy tình trạng tham nhũng tràn lan trong xã hội, cũng dẫn đến sự xuống cấp về chất lượng trong tất cả mọi lãnh vực, như y tế, giáo dục, giao thông, môi trường…

Đặc biệt là các giá trị đạo đức đang đi xuống một cách trầm trọng. Hàng ngày trên các mặt báo chúng ta đọc biết bao những tin “tức”, tin vui thì ít, nhưng tin “tức” thì nhiều.

Mới hôm qua đây thôi khi vào trang tin Vnexpress tôi thấy có một bài báo có tiêu đề khiến tôi chú ý. Tiêu đề bài báo là: “Cô bé bán vé số trở về nhà trong ngày giỗ thứ 2 của mình”. Nội dung của bài báo nói về chuyện một em bé vừa đột ngột trở về khi gia đình chuẩn bị đám giỗ cho em. Cách đây hai năm vì gia đình nghèo đói nên em đã lên đường vào Sài gòn tìm việc làm. Vừa đặt chân lên bến xe Miền Tây thì em bị đưa vào làm cho một quán cà phê ôm ở một vùng ven Sàigòn và bị chủ quán bắt ép làm việc trong suốt hai năm qua mà không trả lương, không cho liên lạc với gia đình.”

Khi một xã hội mà những giá trị luân lý, tâm linh bị xem thường thì người ta chỉ còn nghĩ đến vật chất và sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm và phẩm giá của nhau để kiếm sống!. Đó là một thực tế đau lòng trong xã hội chúng ta.

Và một thực tế khác chúng ta đang phải chứng kiến trên đất nước chúng ta đó tình trạng đàn áp và bỏ tù những người đấu tranh cho dân oan, cho dân chủ và nhân quyền một cách tùy tiện, vô pháp luật của nhà cầm quyền CSVN.

Tôi thật khâm phục những anh chị em đã không vì mình, nhưng vì tình yêu đối với tha nhân, đối với quê hương đất nước đã dám đứng lên nói tiếng nói của mình để đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải thay đổi thái độ của mình, chấm dứt tình trạng khai thác bừa bãi tài nguyên của đất nước để đem bán, thu lợi cho chính mình; phải chấm dứt tình trạng cướp bóc đất đai của dân qua những quy hoạch gọi là phát triển đô thị; phải thay đổi từ một thể chế độc tài đảng trị sang một thể chế đa nguyên đa đảng…

Thế nhưng thay vì lắng nghe những góp ý chân tình của những người yêu nước, thì họ lại tìm cách đàn áp bắt bớ và bỏ tù những tiếng nói ấy.

Họ đã làm những điều vô nhân đạo khi bỏ tù những tiếng nói phản biện, đối lập. Nhưng khi mở miệng ra thì lại nói chuyện nhân đạo để che lấp hành vi vô nhân đạo của mình. Một nhà văn đã có kinh nghiệm thâm sâu về chế độ này đã từng thốt lên:“Kẻ vô luân nói chuyện đạo đức, tên ăn cắp dạy dỗ phải bảo vệ của công, người hống hách lại là tên nịnh bợ bậc nhất.”

Chẳng hạn như mới đây nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã trả tự do cho anh Điếu Cày nhưng lại trục xuất anh ra khỏi nước Việt Nam mà không hề báo trước cho gia đình và cũng không cho gia đình gặp mặt anh trước khi đi.

Bộ ngoại giao Việt Nam sau đó nói rằng, việc trục xuất Điếu Cày đi Mỹ là vì lý do nhân đạo.

- Vậy nhà cầm quyền Việt Nam có nhân đạo không khi kết án anh 13 năm tù chỉ vì anh thể hiện lòng yêu nước của mình qua việc lên án Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa của Việt Nam và việc anh đòi tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam?

- Nhà cầm quyền Việt Nam có nhân đạo không khi trục xuất anh Điếu Cày qua Mỹ mà không cho vợ con của anh biết, cũng như không hề cho anh gặp vợ con trước khi đi Mỹ?

- Nhà cầm quyền Việt Nam vì nhân đạo, nên đã đưa Điếu Cày đi Mỹ khẩn cấp với chiếc áo thun xuềng xoàng và đôi dép nhựa tổ ong?

- Việc trục xuất Điếu Cày đi Mỹ là nhân đạo, vậy thì nếu để anh Điếu Cày ở Việt Nam thì không có nhân đạo chăng?

Và mới đây ngày 17/10 vừa qua, Hội đồng Liên tôn Việt Nam đã ra một Bản lên tiếng về tình trạng đối xử vô nhân đạo đối với các tù nhân lương tâm nhất là 14 thanh niên Công giáo và Tin lành đã bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam kết án tù về tội gọi là “âm mưu lật đổ chính quyền” theo điều 79 Bộ luật Hình sự của Cộng sản với mức án tàn bạo (83 năm tù giam, 42 năm quản chế), trong lúc họ chỉ là những tâm hồn trẻ muốn đấu tranh ôn hòa cho tự do, nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam.

Bản lên tiếng đã nói rằng: “Khi bắt đầu thụ án, các tù nhân lương tâm vô tội trên còn bị nhà cầm quyền Cộng sản – qua tay công an các trại giam- tiếp tục đối xử bằng nhiều cách thức tàn độc và hèn hạ, nhằm trả thù lòng yêu nước của họ và buộc họ phải nhận mình có tội. Chẳng hạn biệt giam cùm kẹp, cho ăn uống thiếu thốn, không chạy chữa thuốc men đầy đủ, nhốt trong nơi thiếu điều kiện vệ sinh, nhờ tù hình sự đánh đập hay hành hạ, không cho gặp người thân hoặc viết thư thăm gia đình, bỏ xó mọi đơn từ yêu cầu khiếu nại và triệt để cấm hưởng dụng quyền tự do tôn giáo… Chính những đòn thù vô nhân đạo và vô pháp luật này đã khiến nhiều tù nhân lương tâm đem sinh mạng mình ra để phản đối bằng cách tuyệt thực.

Và Bản lên tiếng cũng lên án nhà cầm quyền đối xử một cách vô nhân đạo đối với tù nhân lương tâm là anh Đặng Xuân Diệu. “Anh đã không hề được gặp mặt gia đình trong những lần thăm nuôi, anh liên tục bị biệt giam, bị cán bộ đánh đập,… anh bị đưa vào buồng kỷ luật, ở đó phải bị cùm chân, uống nước bẩn, thiếu chăn màn, không được tắm rửa và sống trong hôi hám cùng tột.”

Trước những việc làm vô nhân đạo đó, Hội đồng Liên tôn đã mạnh mẽ lên án nhà nhà cầm quyền Việt Nam vì đã luôn chủ trương một chế độ lao tù chỉ nhắm trừng phạt, báo thù, bóc lột sức lao động của các tù nhân, nhất là tù nhân lương tâm; ngoài ra còn dùng mọi phương cách bạo lực và đê tiện để buộc hạng tù nhân này phải nhận tội….”

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Điều gì đã đưa con người ta đến việc hành xử với nhau một cách thiếu tình người như vậy? Thưa đó là vì người ta đã đánh mất tương quan với Thượng Đế, với Thiên Chúa. Người ta đã phủ nhận Thiên Chúa, phủ nhận những giá trị tâm linh của đời sống con người. Người ta đặt mục đích của đời này là quyền lực, danh vọng và của cải vật chất. Và khi một xã hội bị những con người như thế thao túng thì người ta sẵn sàng ức hiếp những kẻ yếu thế và gây ra biết bao nhiêu sự đau khổ cho người khác.

Bài đọc 1 trích sách Xuất hành, cho chúng ta thấy lời cảnh báo của Thiên Chúa đối với dân của Người rằng: “ngươi chớ hà hiếp khách ngoại kiều, đừng làm hại cô nhi quả phụ, chớ bắt chẹt những kẻ nghèo khó. Nếu các người hà hiếp những kẻ ấy, họ sẽ kêu thấu đến Ta, và chính Ta sẽ nghe tiếng họ kêu van, vì Ta là Đấng thương xót.”

Đó là lời cảnh báo của Thiên Chúa đối với dân của Người nhưng cũng là lời nhắc nhở cho tất cả chúng ta, và những ai đang có quyền thế trong tay là hãy biết thể hiện tình yêu thương của mình đối với tha nhân, đặc biệt là những người nghèo khó và cô thế cô thân. Khi thể hiện tình yêu thương như thế chúng ta đồng thời thể hiện tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Còn nếu như chúng ta ra tay ức hiếp và đàn áp những người yếu thế hơn mình thì Thiên Chúa là Đấng thương xót sẽ nghe tiếng họ kêu và khi ấy Thiên Chúa sẽ ra tay trừng phạt những kẻ cố chấp trong hành vi đàn áp và ức hiếp anh chị em của mình.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét lại cuộc sống của mình. Chúng ta đã thật sự xây dựng cuộc sống của chúng ta trên nền tảng của hai giới răng mến Chúa và yêu người chưa? Chúng ta được mời gọi xét lại tương quan của chúng ta đối với Chúa và đối với anh chị em của mình. Chúng ta nói chúng ta theo Chúa, tin Chúa, nhưng chúng ta đã thật sự dấn thân và thể hiện tình yêu của mình cho anh chỉ em của chúng ta hay không? Hay là chúng ta vẫn đang làm ngơ hay thờ ơ trước những nỗi đau, những bất công mà anh chị em khác đang phải gánh chịu?

Xin Chúa cho chúng ta hôm nay biết mở lòng mình ra trước những nỗi đau của anh chị em mình để khi đó chúng ta mới thật sự là một Kito hữu đích thật khi sống trọn vẹn giới răn Mến Chúa và Yêu Người. Amen.



cha Giuse Trương Hoàng Vũ gợi ý mời cộng đoàn cầu nguyện




Cha Phao-lô Lê xuân Lộc giảng trong thánh lễ









Gia đình của anh Hải (Điếu Cầy) nói lời cám ơn với cộng đoàn trong thời gian qua đã liên tục cầu nguyện và hôm nay anh đã thoát khỏi chốn lao tù


Lễ CLHB: Xét Lại Tương Quan Với Thiên Chúa Và Với Tha Nhân Reviewed by Unknown on 10/27/2014 Rating: 5 VRNs (27.10.2014) – Sài Gòn – Tối hôm qua, tại nhà thờ DCCT Sài Gòn, cha Phaolô Lê Xuân Lộc, CSsR đã mời gọi cộng đoàn đối diện với Điều ră...

Không có nhận xét nào: